Cà phê nhượng quyền và những sự thật cần biết

Đăng bởi thoai linh vào lúc 17/11/2021

Bạn muốn làm chủ quán cà phê nhượng quyền? Giống như bạn, rất nhiều người cũng lựa chọn hình thức nhượng quyền để khởi nghiệp. Không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực của mô hình này. Nhưng bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây:

1. Những điều cần biết về nhượng quyền cà phê

Theo Hiệp hội Nhượng quyền quốc tế, Việt Nam đứng thứ 8/12 thị trường nhượng quyền hàng đầu thế giới. Trong đó, lĩnh vực phục vụ nhu cầu cơ bản như ăn uống nói chung, cà phê nói riêng có triển vọng rất lớn.

1.1. Nhượng quyền là gì?

Nhượng quyền có thể hiểu đơn giản là cho phép cá nhân, tổ chức kinh doanh một sản phẩm, dịch vụ đã có trên thị trường từ trước. Khi đó, bên nhượng quyền sẽ cung cấp sản phẩm, nhãn hiệu, quy trình,... cho bên mua nhượng quyền. Đồng thời, bên mua sẽ trả một số tiền để kinh doanh sản phẩm, nhãn hiệu, quy trình đó.

Ví dụ: Mở quán cà phê nhượng quyền

Anh Nguyễn Văn A. ký hợp đồng nhượng quyền cùng đại diện Starbucks, với chi phí là 500,000 USD. Lúc này, anh A. có quyền mở quán cà phê sử dụng công thức, menu, tên thương hiệu,... của Starbucks. Còn nghĩa vụ của Starbucks là chuyển nhượng công thức, quy trình, thiết kế quán,... cho anh A.

Mô hình nhượng quyền quán cà phê E-Coffee

Mô hình nhượng quyền quán cà phê E-Coffee của Trung Nguyên Legend 

1.2. Có nên mở quán cà phê nhượng quyền không?

Nhượng quyền có thể là giải pháp đáng cân nhắc để bắt đầu kinh doanh quán cà phê. Nhưng không phải lúc nào nó cũng là “gà đẻ trứng vàng”. Bạn cần xem xét kỹ các yếu tố ưu điểm và hạn chế của mô hình này.

*Ưu điểm

  • Khách hàng đông đảo

Nếu tự mở quán cà phê, bạn sẽ chưa có nhiều khách hàng trong thời gian đầu. Nhưng nếu nhượng quyền một thương hiệu nổi tiếng, quán sẽ ngay tức thì có không ít khách hàng. Đó là nhờ sự quen thuộc và danh tiếng của thương hiệu lớn.

  • Chương trình đào tạo bài bản

Khi mới kinh doanh, bạn có thể còn non nớt và thiếu kinh nghiệm. Mô hình cà phê nhượng quyền sẽ cho phép bạn tiếp cận với hệ thống kinh doanh bài bản. Hơn nữa, bạn còn nhận được hỗ trợ từ chuyên gia của bên nhượng quyền. Đây là “bàn đạp” để bạn tự vận hành quán hiệu quả.

  • Chi phí cố định

Khi mở quán, nhiều người luôn lo lắng chi phí bị “đội” lên từng ngày. Đôi khi, con số vượt qua khả năng hoặc sự chuẩn bị do vật tư lên giá hoặc phát sinh. Nhưng với gói nhượng quyền, khoản đầu tư là cố định. Bạn sẽ không lo thiếu ngân sách đột xuất.

*Hạn chế

  • Chi phí cà phê nhượng quyền cao

Mua quyền kinh doanh quán cà phê khá tốn kém. Ngân sách đó gồm cơ sở vật chất (thi công, bàn ghế, máy móc,...) và chi phí nhượng quyền. Khoản tiền này là áp lực không nhỏ cho bạn khi quán chưa tạo ra đồng lợi nhuận nào.

  • Điều khoản nghiêm ngặt

Để bảo vệ hình ảnh thương hiệu, bên nhượng quyền sẽ đưa ra các điều khoản rất chặt chẽ. Có thể kể đến như: Không được điều chỉnh giá bán, menu, nhận diện thương hiệu,... Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy không vui vì bị giới hạn sáng tạo hoặc mất quyền quyết định với quán của mình.

điều khoản nhượng quyền

Cần đánh giá ưu điểm và hạn chế trước khi nhượng quyền 

1.3. Quy trình mở quán cà phê nhượng quyền như thế nào?

Mỗi thương hiệu sẽ phát triển quy trình nhượng quyền riêng, phù hợp với mô hình kinh doanh của họ. Nhưng nhìn chung, quy trình nhượng quyền quán cà phê sẽ có 06 bước cơ bản như sau:

  • Bước 1 - Tìm hiểu thông tin

Đại diện thương hiệu sẽ tư vấn chi tiết các chương trình nhượng quyền cho bạn. 

  • Bước 2 - Tìm mặt bằng

Lúc này, 2 trường hợp có thể xảy ra gồm có: Bạn tự tìm mặt bằng và bên nhượng quyền sẽ đánh giá, xét duyệt. Hoặc bên nhượng quyền sẽ hỗ trợ bạn tìm mặt bằng phù hợp để kinh doanh quán cà phê.

  • Bước 3 - Thống nhất thiết kế

Hai bên sẽ gặp mặt, bàn bạc và thống nhất thiết kế của cà phê nhượng quyền. Thiết kế dựa trên đặc điểm mặt bằng, mong muốn của bạn và mô hình kinh doanh của bên nhượng quyền.

  • Bước 4 - Ký kết hợp đồng

Sau khi thống nhất thiết kế, bạn sẽ đến văn phòng bên nhượng quyền để ký hợp đồng. Bên nhượng quyền sẽ đào tạo cho bạn kỹ năng kinh doanh quán cà phê và truyền đạt cách quản lý quán cafe hiệu quả nhất dành cho người mới như: Pha chế, quản lý nhân sự, vận hành chuỗi cung ứng,.. 

  • Bước 5 - Thi công

Hiện nay, hầu hết đơn vị đều áp dụng nhượng quyền trọn gói. Do vậy, bạn chỉ cần thanh toán chi phí. Bên nhượng quyền sẽ tiến hành mọi công tác thiết kế, thi công, bố trí bàn ghế,... 

  • Bước 6 - Nghiệm thu và vận hành

Bạn kiểm tra xem bên nhượng quyền đã thực hiện đủ nghĩa vụ theo như hợp đồng chưa. Sau đó, bạn có thể khai trương quán và bắt đầu kinh doanh.

Napoli Coffee 

Ngày khai trương một quán cà phê của Napoli Coffee 

1.4. Mở quán cà phê nhượng quyền cần bao nhiêu vốn? 

Thực tế, đây là một câu hỏi rất khó trả lời chính xác. Bởi vì mỗi thương hiệu sẽ có chi phí nhượng quyền khác nhau, tuỳ thuộc vào:

  • Mức độ nổi tiếng của thương hiệu

  • Các hạng mục trong gói nhượng quyền

  • Những quyền lợi, hỗ trợ từ thương hiệu

  • Thời gian hiệu lực của hợp đồng

1.5. Cần lưu ý những gì khi nhượng quyền quán cà phê?

Có những mô hình quán cà phê nhượng quyền có thể thu hồi vốn từ sau 6 tháng. Để được như vậy, khâu chuẩn bị là rất quan trọng. Hãy tham khảo 3 lưu ý dưới đây để có khởi đầu kinh doanh hoàn hảo:

Nghiên cứu các quán cà phê đối thủ cạnh tranh 

Trong kinh doanh quán cà phê có cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp là những quán cà phê trong khu vực, có cùng khách hàng mục tiêu. Họ sẽ trực tiếp lấy đi khách hàng của bạn.

Còn đối thủ cạnh tranh gián tiếp là những quán xá tuy không kinh doanh cà phê, nhưng cũng làm bạn mất đi khách hàng. Chẳng hạn, cạnh trường đại học Y. có 1 quán cà phê và  1 quán trà sữa. Dù không bán cùng loại thức uống, nhưng rõ ràng khách hàng đến quán trà sữa sẽ không đến quán cà phê. Nên đây là 2 đối thủ gián tiếp của nhau.

Tóm lại, bạn nên xem xét bán kính 2 - 5km xung quanh mặt bằng dự định mở cà phê nhượng quyền. Nếu có nhiều đối thủ cạnh tranh, dù trực tiếp hay gián tiếp, bạn cũng cần lưu ý và có chiến lược ứng phó.

Nghiên cứu  đối thủ cạnh tranh 

Khi mới kinh doanh, quá nhiều đối thủ sẽ khiến doanh thu bị ảnh hưởng không nhỏ 

Lựa chọn đối tác nhượng quyền phù hợp

Tìm kiếm đối tác nhượng quyền quán cà phê thường gắn liền với bài toán chi phí. Sai lầm của không ít bạn là cố gắng vay mượn để nhượng quyền những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu. Thật ra, mỗi thương hiệu đều có lợi thế và thị trường riêng. Bạn nên căn cứ vào nghiên cứu thị trường, đối tượng khách hàng để chọn đối tác cà phê nhượng quyền. 

Ngoài ra, nhượng quyền thương hiệu quán cà phê nước ngoài cần phải lưu ý hơn bao giờ hết. Đôi khi, một số thương hiệu sẽ không phù hợp với văn hoá và thói quen của người Việt. Nên dù kinh doanh thành công tại chính quốc, những thương hiệu này vẫn có rủi ro nhất định.

Khả năng thay đổi, thích nghi trong tương lai

Theo chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, mô hình nhượng quyền muốn thành công cần linh hoạt thay đổi để thích nghi. Tương tự, kinh doanh quán cà phê cũng vậy. 

Bạn có thể xem xét:

  • Mô hình quán có linh động thay đổi giữa bán trực tiếp và trực tuyến hay không?

  • Đối tác có đào tạo kinh doanh trực tuyến, bán hàng qua ứng dụng Grab, Baemin, Now.vn….?

  • Nếu xảy ra khủng hoảng, mô hình kinh doanh của quán có trụ vững hoặc ứng phó được không?

Kinh doanh cafe online

Kinh doanh online mở ra nhiều hướng phát triển cho dịch vụ ăn uống, đặc biệt là quán cà phê 

>>>Đọc thêm: Những ngộ nhận nguy hiểm về mở quán cà phê

2. Các thương hiệu cà phê nhượng quyền được ưa chuộng nhất hiện nay

Theo báo cáo của Tập Đoàn Nông nghiệp - Thực phẩm Hàn Quốc, 43% công ty của nước này, hầu hết là trong ngành ăn uống, đã lựa chọn Việt Nam để triển khai hoạt động nhượng quyền. Điều này cho thấy thị trường ăn uống nước ta đang rất khởi sắc. 

Vậy nếu nhượng quyền quán cà phê, bạn sẽ chọn thương hiệu nào dưới đây?

2.1. Trung Nguyên E-Coffee

Trung Nguyên E-Coffee thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Nguyên Legend. Với tên tuổi của Tập đoàn Trung Nguyên Legend, bạn sẽ nhận được rất nhiều lợi thế về thương hiệu và quảng bá. 

Trung Nguyên Legend này hiện được biết đến rộng rãi với 3 mô hình quán cà phê nhượng quyền: Kết nối, Khởi nghiệp và Thịnh vượng. Chi phí nhượng quyền các mô hình này lần lượt là 65 triệu, 120 triệu và 175 triệu. Khi hợp tác cùng đơn vị này, bạn sẽ được thiết kế, thi công quán và cung cấp các máy móc tùy theo gói nhượng quyền.

Quán nhượng quyền E-Coffee

Quán nhượng quyền E-Coffee

2.2. Cà phê Ông Bầu

Dù mới “chào sân” năm 2020, nhưng Ông Bầu đã nhanh chóng phủ sóng trên thị trường. Đây là thương hiệu được thành lập bởi 3 ông bầu bóng đá nổi tiếng. Nhờ đó, hiệu ứng truyền thông càng giúp đưa tên tuổi quán cà phê này được biết rộng rãi.

Ông Bầu hiện có 2 mô hình cà phê nhượng quyền:

  • Quán cà phê quy mô 70m2 với chi phí 403 triệu đồng

  • Quầy bar di động bán cà phê mang đi với chi phí 108 triệu đồng

Xe cà phê Ông Bầu 

Xe cà phê Ông Bầu 

2.3. Laha Cafe

Nổi bật với màu xanh lá trẻ trung, Laha Cafe hiện là một trong những thương hiệu đáng cân nhắc khi muốn nhượng quyền. Chỉ từ 60 triệu đồng, bạn đã có thể bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Cùng với đó là những kinh nghiệm thực chiến quý báu. Các gói cà phê nhượng quyền của Laha Cafe có chi phí như sau:

  • Laha xe: 60 triệu đồng

  • Laha kiosk: 400 triệu đồng

  • Laha store: 1,5 tỷ đồng

Laha Coffee 

Màu xanh đặc trưng của Laha Coffee 

2.4. Napoli Coffee

Napoli Coffee được thành lập từ năm 1995 và là một trong những thương hiệu cà phê lâu đời, được đông đảo khách hàng yêu thích. Đặc biệt, thương hiệu này còn hỗ trợ đối tác 10 - 150 triệu đồng. Cụ thể:

  • Xe cà phê Napoli với chi phí nhượng quyền 3,3 - 7,3 triệu đồng

  • Gói cà phê Take Away trị giá 40 triệu đồng, nhưng được công ty Napoli hỗ trợ đến 10 triệu đồng

  • Gói cà phê Truyền thống trị giá 100 triệu đồng, nhưng được công ty Napoli hỗ trợ đến 30 triệu đồng

  • Gói cà phê Chuyên nghiệp trị giá 200 triệu đồng, nhưng được công ty Napoli hỗ trợ đến 40 triệu đồng

  • Gói cà phê Phong cách Ý trị giá 500 triệu đồng, nhưng được công ty Napoli hỗ trợ đến 150 triệu đồng

Napoli Coffee

Napoli Coffee bắt đầu kinh doanh cà phê từ năm 1995 

2.5. Milano Coffee

Milano Coffee được thành lập từ năm 2011. Đến nay, các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu này đã phủ sóng đầy đủ tại 52 tỉnh thành. Do đó, mô hình quán Milano Coffee có khả năng tùy biến linh hoạt theo đặc điểm từng địa phương.

Nếu đang quan tâm, bạn có thể tham khảo 4 gói nhượng quyền sau:

  • Mô hình kiosk: Chi phí nhượng quyền từ 160 triệu đồng

  • Mô hình tiêu chuẩn: Chi phí nhượng quyền từ 170 triệu đồng

  • Mô hình Container: Chi phí nhượng quyền từ 180 triệu đồng

  • Mô hình Premium: Chi phí nhượng quyền từ 700 triệu đồng

Milano Coffee 

Không gian quen thuộc của Milano Coffee 

Tạm kết

Hình thức cà phê nhượng quyền cho phép bạn cơ hội hợp và học hỏi quy trình kinh doanh từ thương hiệu lớn. Bên cạnh hàng loạt ưu điểm, bạn cần xem xét những hạn chế của hình thức này. Đồng thời, lựa chọn đối tác tin cậy cũng ảnh hưởng rất lớn đến thành công sau này. Xin chúc bạn sớm thực hiện giấc mơ làm chủ quán cà phê của riêng mình.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Bao bì Xanh
Bao bì XANH
Giao nhanh - Giá tốt
messenger
Zalo
Hotline