Lựa chọn thực phẩm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là tiêu chí mua sắm hàng đầu cho người tiêu dùng. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi an toàn vệ sinh thực phẩm là gì? Nó áp dụng cho những cơ sở kinh doanh nào? Cần những điều kiện nào để được cấp giấy phép này? Tất cả sẽ được Bao Bì Xanh giải thích rõ dưới đây, đừng bỏ lỡ bạn nhé!
1. An toàn vệ sinh thực phẩm là gì?
Thực phẩm là nguồn cung cấp năng lượng chủ lực và cần thiết cho cơ thể của chúng ta. Nhưng thực tế chúng lại rất dễ bị các vi sinh vật, nấm mốc gây hư hỏng, ôi thiu. Nếu ăn phải những thực phẩm này sẽ gây hại trực tiếp tới sức khỏe con người.
Để khắc phục cũng như hạn chế được điều này, tiêu chuẩn ATVS TP ra đời như một tiêu chí để đánh giá thực phẩm an toàn từ khâu gieo trồng sản xuất cho tới khâu chế biến, đóng gói và bảo quản, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
a. Khái niệm ATVS TP
ATVS TP có tên đầy đủ là An toàn vệ sinh thực phẩm, hay còn gọi là vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiểu một cách đơn giản nó có nghĩa là giữ cho thực phẩm luôn sạch, không bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc và đảm bảo vệ sinh cho người sử dụng.
Các thực phẩm được cấp phép an toàn vệ sinh là những thực phẩm đã được kiểm nghiệm và trải qua quá trình công bố sản phẩm nghiêm ngặt, có sự đồng ý của cơ quan chức năng có thẩm quyền (Bộ Y Tế, Bộ Nông Nghiệp, Bộ Công Thương…).
b. Đối tượng áp dụng
Tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực thực phẩm muốn hoạt động một cách công khai đều phải có giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm hợp pháp. Có thể kể đến các cơ sở kinh doanh cơ bản sau:
- Nhà hàng ăn uống, quán karaoke, quán nhậu, quán kem, quán giải khát, quán coffee, quán trà sữa, quán cơm,...
- Cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thức ăn nhanh, siêu thị, chợ...
- Căng tin trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể…
- Cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh và đóng gói thực phẩm như bánh kẹo, cà phê, nước uống....
2. Tại sao cần có chuẩn ATVS TP?
Mỗi người sẽ hiểu khác nhau về an toàn vệ sinh thực phẩm là gì. Nhưng cho dù vậy, đây vẫn là một trong những tiêu chuẩn chứng nhận bắt buộc của các cơ sở kinh doanh. Đây là tiền đề để người tiêu dùng cân nhắc khi chọn mua các sản phẩm. Vậy ý nghĩa của tiêu chuẩn này là như thế nào?
a. Hạn chế thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe
Các loại thực phẩm bẩn, mất an toàn vệ sinh như tồn dư thuốc bảo vệ thực phẩm, được tiêm chất bảo quản, nhiễm vi sinh vật gây bệnh… xuất hiện tràn lan trên thị trường gây những hậu quả khôn lường cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Sử dụng các thực phẩm bẩn này, có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như ngộ độc thực phẩm, đau bụng, thậm chí là tử vong. Các chất độc tồn dư trong thực phẩm về lâu dài còn gây ra bệnh mãn tính.
Chính vì vậy, các thực phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn nghĩa là thực phẩm đó sạch, không chứa các chất độc, vi khuẩn gây bệnh. Như vậy có thể bảo vệ sức khỏe người sử dụng, phòng tránh các nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh mãn tính…
b. Cân bằng giá thực phẩm
Sự bất ổn về giá thành sản phẩm cũng một phần xuất phát từ nguyên nhân do quá nhiều thực phẩm bẩn. Thậm chí nhiều người tiêu dùng đã phải trả mức giá khá cao mà trong khi đó thực phẩm lại không thực sự an toàn như họ nghĩ.
Điều này khiến cho mức giá của thực phẩm trở nên không rõ ràng và người dùng không xác định được mức giá như thế nào là phù hợp.
Vì vậy, ý nghĩa của vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ hạn chế được điều này, giúp số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra xứng đáng với chất lượng thực phẩm họ nhận được.
c. Đối với cơ sở kinh doanh
Không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, việc các cơ sở kinh doanh sản xuất đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cũng mang lại nhiều lợi ích trong quá trình hoạt động như:
- Chứng minh hoạt động kinh doanh là hợp pháp, được công nhận không vi phạm pháp luật.
- Tăng khả năng được khách hàng lựa chọn mua sản phẩm so với các đối thủ khác.
- Tạo điều để hợp tác với các đối tác lớn, giúp mở rộng thị trường kinh doanh.
Xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, đảm bảo và tạo được sự uy tín đối với người tiêu dùng.
Đặc biệt hơn, với những cơ sở sản xuất không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc mắc phải các vi phạm quy định trong việc sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm đều bị xử phạt hành chính, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh.
Chính vì vậy, xin giấy phép ATVS TP có vai trò rất quan trọng đối với một cơ sở sản xuất kinh doanh. Đây vừa là cơ sở giúp doanh nghiệp bạn tránh được những rắc rối không cần thiết, vừa là giấy tờ đảm bảo để khách hàng yên tâm sử dụng các sản phẩm.
Thế nhưng thủ tục và cách xin giấy này không hề đơn giản. Theo đó, các cơ sở kinh doanh phải đạt đủ các điều kiện cần thiết trong các khâu sản xuất, chế biến và đóng gói mới được cơ quan chức năng cấp giấy phép chứng nhận này. Vậy đó là những điều kiện gì, cùng theo dõi tiếp nhé!
3. Điều kiện cần có của chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm là gì?
ATVS TP là tiêu chí quan trọng khi người tiêu dùng chọn mua thực phẩm sử dụng. Nhưng muốn được cấp giấy phép này, các cơ sở sản xuất và kinh doanh dịch vụ ăn uống hay kinh doanh thực phẩm cần đảm bảo các điều kiện sau:
Thứ nhất: Các cơ sở sản xuất thực phẩm phải được xây dựng tại các vị trí, địa điểm sạch sẽ, môi trường xunh quanh không bị ô nhiễm, không bị ứ nước, ngập lụt hay các vi sinh vật nguy hiểm, không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất thực phẩm.
Thứ hai: Cơ sở kinh doanh cần có đủ nước sạch để rửa nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay và chế biến thực phẩm, thức ăn. Đồng thời phải dùng nước đá sạch để pha chế đồ uống.
Thứ ba: Thiết bị và dụng cụ sử dụng trong quá trình nấu ăn, bảo quản phải đầy đủ, sạch sẽ đối với khu vực bán thực phẩm sống và thức ăn liền. Ngoài ra, dụng cụ ăn và bao gói thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn.
Thứ tư: Nếu bán thực phẩm là các loại đồ ăn chế biến sẵn, phải được bảo quản trong các loại tủ có kính nhằm bảo vệ thực phẩm khỏi ruồi, muỗi, dán…
Thứ năm: Trong quá trình bán thức ăn, nhân viên là người bán phải mặc trang phục sạch sẽ, gọn gàng và dùng găng tay.
Thứ sáu: Cơ sở kinh doanh phải trang bị đủ thùng rác có nắp đậy, túi đựng thu gom rác, chứa rác để mang đến điểm thu gom rác công cộng.
Thứ bảy: Với nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà ăn phải thoáng mát, đủ ánh sáng, luôn được vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp ngăn ngừa các loại côn trùng và độc vật gây hại.
Thứ tám: Nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc. Có như vậy, thực phẩm đó mới thực sự an toàn và phải đảm bảo ATTP theo quy định của cơ quan thẩm quyền.
Thứ chín: Cơ sở sản xuất phải có hệ thống xử lý nước thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thứ mười: Người kinh doanh thực phẩm cần có giấy chứng nhận ATTP. Đối với người chế biến, bán thực phẩm đường phố thì phải có giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận sức khỏe.
Qua những thông tin trên hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn an toàn vệ sinh thực phẩm là gì cũng như các tiêu chuẩn, điều kiện để đạt được chuẩn này. Từ đó lựa chọn được cơ sở kinh doanh được cấp giấy phép này để bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình bạn.
>>> Xem thêm về tiêu chuẩn HACCP quan trọng