Có các loại bao bì thực phẩm nào? Loại bao bì bằng chất liệu gì tốt nhất? Khi chọn lựa bao bì đựng sản phẩm của doanh nghiệp mình cần đáp ứng các nguyên tắc nào? Cùng theo dõi bài viết dưới để hiểu rõ nhé!
Bao bì là vật dụng không thể thiếu khi kinh doanh các ngành nghề liên quan đến thực phẩm. Ngoài công dụng chứa đựng và bảo quản sản phẩm thì chiếc bao bì còn là công cụ quảng bá cho hình ảnh của doanh nghiệp. Do đó, việc lựa chọn bao bì phù hợp là điều vô cùng quan trọng.
1. Vai trò của các loại bao bì thực phẩm
Các loại thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể chúng ta. Thế nhưng sau khi sản xuất và chế biến xong, thực phẩm rất dễ bị các loại vi khuẩn, nấm mốc, bụi bẩn làm nhiễm khuẩn, hư hỏng.
Để bảo vệ thực phẩm tránh được tình trạng này cũng như giữ nguyên hình dáng, hương vị tới lúc khách thưởng thức thì nhất thiết phải sử dụng tới những chiếc bao bì chuyên dụng. Vậy bao bì đựng thực phẩm là gì?
Nói một cách đơn giản, bao bì thực phẩm là một sản phẩm công nghiệp đặc biệt được dùng để chứa đựng và bao gói thực phẩm. Nó mang lại nhiều công dụng thiết thực như:
+ Bảo vệ sản phẩm: Bao bì giúp bảo vệ các loại sản phẩm bên trong khỏi bị va đập, rò rỉ. Đồng thời không cho bụi bẩn, vi khuẩn bám vào thực phẩm bên trong cũng như ngăn chặn các ảnh hưởng từ tác nhân môi trường bên ngoài.
Bao bì bảo vệ sản phẩm bên trong
+ Vận chuyển dễ dàng: Với người tiêu dùng, nhờ có bao bì họ có thể cầm tay hay bỏ túi sản phẩm để mang đi bất cứ đâu. Với các doanh nghiệp, nhờ có bao bì họ có thể dễ dàng vận chuyển cho khách hay phân phối, bày bán trên các kệ.
+ Quảng bá thương hiệu: Bao bì có thể in ấn các thông tin, hình ảnh tới doanh nghiệp để marketing hiệu quả. Theo đó, bao bì đẹp sẽ giúp người tiêu dùng ấn tượng, từ đó tăng khả năng ghi nhớ và lựa chọn khi họ có nhu cầu sử dụng.
2. Danh sách các loại bao bì dùng đựng thực phẩm phổ biến
Có thể thấy bao bì đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sản phẩm. Thế nhưng không phải chất liệu bao bì nào cũng phù hợp để đựng thực phẩm cả. Bạn chưa biết nên sử dụng bao bì nào, tham khảo các loại cơ bản này để có chọn lựa đúng nhé!
2.1. Bao bì giấy thực phẩm
Xu hướng sử dụng các loại bao bì thân thiện để bảo vệ môi trường đang ngày càng nở rộ. Chính vì vậy, nhiều cơ sở kinh doanh cũng bắt đầu lựa chọn các sản phẩm bao bì làm từ giấy để bắt kịp xu hướng này.
Theo thông tin về bao bì giấy đựng thực phẩm thì nó có thành phần chủ yếu là cenlulose, được sử dụng cho nhiều nhu cầu khác nhau, từ đựng thực phẩm dạng lỏng (nước uống, phở, bún…) cho tới các loại thực phẩm khô (bánh, kẹo, trái cây..).
Ưu điểm:
- Bao bì giấy thực phẩm không chứa các chất độc hại, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
- Giấy rất “ăn” mực, dễ dàng in ấn các hình ảnh, thông tin bên ngoài một cách rõ nét, đẹp mắt.
- Chất liệu giấy có thể tự phân hủy ngoài môi trường tự nhiên trong thời gian ngắn
Nhược điểm:
- Độ bền thấp, dễ bị mủn nước hay rách nếu mua phải sản phẩm kém chất lượng.
- Các loại bao bì như tô giấy đựng thực phẩm, ly giấy đựng thức uống, hộp giấy đựng piza, túi giấy đựng bánh mì… thường chỉ sử dụng 1 lần và chỉ làm bao bì đựng ngoài.
Bao bì giấy đựng thực phẩm
2.2. Bao bì nhựa
Các loại đồ nhựa dùng 1 lần như hộp nhựa đựng cơm, chai nhựa nước suối, bao bì đựng cà phê, trà sữa như ly cốc nhựa… đã quá đỗi quen thuộc trong đời sống của chúng ta. Nó được xem là loại bao bì sử dụng 1 lần thông dụng nhất hiện nay.
Ưu điểm:
- Trọng lượng nhẹ, dễ tạo hình và tạo kiểu
- Đa dạng về mẫu mã và kích thước, dễ tìm mua
- Độ bền cao, khó bị xé rách hoặc nứt vỡ khi sử dụng.
- Giá thành khá rẻ, phù hợp làm bao bì phổ thông
Nhược điểm:
- Nếu mua phải các loại sản phẩm nhựa kém chất lượng có thể chứa các chất phụ gia độc hại như BPA, khi thôi nhiễm sang thức ăn và đi vào cơ thể người có thể gây ung thư, rối loạn nội tiết tố, vô sinh…
- Các loại bao bì nhựa hay bao bì sử dụng 1 lần vứt bỏ ngoài đất, đại dương phải mất hàng chục, hàng trăm năm thậm chí hàng nghìn năm mới có thể phân hủy hết. Do đó, gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường sống.
2.3. Bao bì thủy tinh
Khác với nhựa, thủy tinh là chất liệu được đánh giá cao về tính thẩm mỹ lẫn mức độ an toàn đối với sức khỏe. Do đó các loại bao bì làm từ chất liệu này như ly thủy tinh, chai lọ thủy tinh… cũng đang được sử dụng phổ biến, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đựng đồ uống.
Ưu điểm:
- Bề mặt nhẵn bóng & trong suốt, cho tính thẩm mỹ cao
- Khó bám bẩn và khó ám mùi, dễ dàng làm sạch sau khi sử dụng
- Khả năng chịu nhiệt cao, dùng được cả trong lò vi sóng
- Không chứa chì hay kim loại nặng, an toàn cho sức khỏe.
Nhược điểm:
- Dễ bị bể vỡ hay nứt khi va chạm mạnh, rơi rớt hoặc có sự thay đổi nhiệt độ.
- Giá thành khá cao hơn so với các loại bao bì làm từ chất liệu khác.
2.4. Bao bì kim loại là gì?
Bao bì kim loại là những loại bao bì làm từ inox, nhôm, thiếc,...Phần lớn là những vật liệt kim loại mềm, dễ chế tác thành nhiều hình dạng khác nhau. Bao bì kim loại không còn xa lạ gì đối với chúng ta. Chẳng hạn như lon sữa bò, sữa ông thọ, các loại thực phẩm đóng hộp như hộp cá mồi, heo hai lát,v.v. Việc sử dụng các loại bao bì thực phẩm làm từ kim loại mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại một số hạn chế. Vậy ưu nhược điểm của bao bì kim loại là gì?
Bao bì kim loại
Ưu điểm:
- Độ bền cơ học cao, bóng loáng, ít bị gỉ.
- Có khả năng chống ánh sáng và tia cực tím, bảo quản thực phẩm tốt.
- Có khả năng chống mùi, dầu mỡ và sự xâm nhập của các vi khuẩn.
- Có thể tái sử dụng nhiều lần và tái chế, thân thiện với môi trường sống.
Nhược điểm:
- Bao bì kim loại thực phẩm dễ chịu tác động oxy hóa, dễ gỉ sét sau thời gian dài.
- Trọng lượng lớn, khó khăn khi vận chuyển. Hơn nữa, giá thành khá cao.
3. Nguyên tắc lựa chọn bao bì thực phẩm
Như đã thấy, mỗi loại bao bì sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Tuy nhiên, dù bạn muốn chọn loại bao bì đựng thực phẩm nào đi nữa thì cũng cần nắm vững các nguyên tắc cơ bản sau:
Nguyên tắc 1: An toàn sức khỏe
Đầu tiên, thực phẩm là nguồn bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể chúng ta. Vậy nên bao bì chứa đựng phải đảm bảo không độc hại, không làm thôi nhiễm các chất độc sang thực phẩm.
Cụ thể hơn, chất liệu làm bao bì phải trơ với thực phẩm, không gây các phản ứng độc hại. Hơn nữa, quy trình sản xuất phải diễn ra nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh và đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001.
Bao bì đựng thực phẩm phải an toàn với người dùng
Nguyên tắc 2: Bảo quản thực phẩm tốt
Sau tất cả, nhiệm vụ chính của các loại bao bì vẫn là dùng để chứa đựng, bảo quản sản phẩm đựng bên trong. Vì thế, nguyên tắc lựa chọn bao bì thực phẩm tiếp theo chính là phải đáp ứng được công năng bảo quản, bảo vệ sản phẩm.
Theo đó, bao bì phải được thiết kế với hình dáng, kích thước, chất liệu phù hợp để có thể ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn cũng như hạn chế các tác nhân (nhiệt độ, ánh sáng..) làm ảnh hưởng tới thực phẩm. Từ đó giúp thực phẩm giữ được mùi và hương vị thơm ngon tới lúc thưởng thức.
Nguyên tắc 3: Đẹp mắt
Bao bì không chỉ làm nhiệm vụ chứa đựng sản phẩm mà còn là nơi trưng bày các thông tin sản phẩm, là hình ảnh đại diện cho các doanh nghiệp. Chiếc bao bì đẹp không chỉ tăng giá trị sản phẩm bên trong mà còn kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Chính vì vậy, nó phải đảm bảo được tính thẩm mỹ, việc thiết kế in ấn hình ảnh, màu sắc bên ngoài bao bì phải thật đẹp mắt, ấn tượng. Tuy nhiên cũng đừng quên phải thể hiện được nét độc đáo và riêng biệt của doanh nghiệp bạn.
Nguyên tắc 4: Hợp nhu cầu sử dụng
Cuối cùng, chiếc bao bì đựng thực phẩm phải hợp với nhu cầu sử dụng để không gây lãng phí, tổn thất cho doanh nghiệp. Đồng thời, thiết kế phải tiện ích, dễ thao tác và sử dụng đối với khách hàng.
Ví dụ, nếu kinh doanh đồ uống bán mang đi thì bạn nên sử dụng các loại bao bì dùng 1 lần như các loại ly giấy cao cấp hoặc nhựa. Ngược lại, nếu bạn kinh doanh đồ uống cho khách ngồi tại quán thì bạn nên sử dụng các loại chất liệu dùng được nhiều lần như thủy tinh để tối ưu chi phí nhất.
Trên đây là danh sách các loại bao bì thực phẩm cũng như các nguyên tắc lựa chọn cơ bản nhất. Hi vọng đã giúp bạn chọn ra được loại bao bì tốt nhất, phù hợp với sản phẩm của doanh nghiệp mình rồi. Cuối cùng, chúc các bạn thành công!