#10 câu hỏi Quan Trọng khi muốn kinh doanh quán cafe nhỏ

10 câu hỏi không thể bỏ qua khi muốn kinh doanh quán cafe nhỏ

Đăng bởi thoai linh vào lúc 22/04/2022

 

Kinh doanh quán cafe nhỏ lúc này như thế nào? Có những quán cà phê đã mạnh mẽ vượt qua đại dịch. Nhưng cũng có những quán không may mắn như vậy. Liệu đầu tư một quán cà phê lúc này có phải một trò chơi phiêu lưu mạo hiểm? Hay đó là quyết định khôn ngoan sau khi suy xét 10 câu hỏi dưới đây:

1. Có nên khởi nghiệp kinh doanh quán cafe nhỏ hay không?

Sau dịch, thị trường kinh doanh đồ uống có dấu hiệu phân hóa cụ thể. Nhiều cửa hàng cà phê quen thuộc biến mất hoặc giảm số lượng chi nhánh còn hoạt động. Ngược lại, hàng loạt cái tên mới đã vươn lên và trở thành điểm hẹn quen thuộc của giới trẻ.

Khách xếp hàng chờ vào quán thành hàng dài là tình trạng của một quán cà phê mới mở tại quận 1, TP HCM. Theo anh G.H, quản lý quán cà phê nói trên, quán hiện đang tiến hàng sửa sang và mở rộng để phục vụ khách uống tại chỗ. 

Tại sao nhiều người lại chọn khởi nghiệp kinh doanh quán cà phê nhỏ vào thời điểm này? Câu trả lời có thể nằm ở mặt bằng. Theo ước tính, thị trường hiện nay có rất nhiều mặt bằng đẹp bị trả lại trong và sau đại dịch. Do đó, giá thuê đã giảm 10% - 20% so với trước. Chính vì vậy, nhiều người đã chớp thời cơ “vàng” để khởi nghiệp kinh doanh quán cà phê.

Katinat

Katinat - Chuỗi cà phê nổi lên như diều gặp gió từ đầu 2022

2. Kinh doanh quán cà phê nhỏ có lãi không?

Giá trung bình của một ly cà phê bình dân là khoảng từ 20,000 đồng. Các thức uống khác (sinh tố, nước ép, trà trái cây,...) cho là khoảng 40,000 đồng/ly. 

Nếu mỗi ngày có 100 khách hàng, mà 50 người uống cà phê và 50 người uống món khác. Thu nhập trong một tháng của bạn sẽ là:

(50 x 20,000 + 50 x 40,000) x 30 = 90,000,000 đồng

Sau khi trừ đi các chi phí vào khoảng 70 triệu đồng thì bạn vẫn còn có lãi ngay ở tháng kinh doanh đầu tiên. Có thể thấy được việc mở quán cafe nhỏ hoàn toàn có thể mang đến lợi nhuận. Điều quan trọng là bạn cần biết cách cân đối thu chi.

3. Vốn mở quán cafe nhỏ là bao nhiêu?

Cơ bản, quán cà phê nào cũng bao gồm các khoản chi phí hay đầu tư sau:

- Thuê mặt bằng quán cafe nhỏ

- Thiết kế quán

- Đầu tư cơ sở vật chất

- Mua dụng cụ, nguyên liệu

- Mua phần mềm quản lý (không bắt buộc)

- Chi phí duy trì quán

- Chi phí phát sinh

Phần lớn chi phí mở quán cà phê thường rơi vào tiền thuê, cải tạo và trang trí mặt bằng. Cụ thể là:

- Mặt bằng có diện tích 10m2 - 15m2 thích hợp kinh doanh cà phê bình dân, vỉa hè với bàn ghế đơn sơ. Số vốn cần để mở quán cà phê theo hình thức như vậy thường chưa đến 100 triệu đồng.

- Mặt bằng 12m2 - 16m2 có thể cân nhắc mở quán cà phê take away. Số vốn bạn cần đầu tư sẽ rơi vào khoảng 200 triệu - 250 triệu đồng.

Mặt bằng quán cà phê nhỏ

Mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đầu tư vào quán cà phê

Thực tế, nhiều quán cà phê còn có vốn đầu tư thấp hơn nữa. Đó là nhờ tận dụng mặt bằng là nhà ở có sẵn. Ngoài ra, bạn cũng có thể thu hẹp quy mô, chỉ bán trên xe đẩy hoặc vỉa hè. Khi đã tích lũy được vốn nhiều hơn, bạn có thể bắt đầu mở rộng việc kinh doanh.

4. Có những mô hình kinh doanh quán cafe nhỏ nào hiện nay?

Dưới đây là những mô hình cà phê quy mô vừa và nhỏ mà bạn có thể lựa chọn để khởi nghiệp:

4.1. Quán cà phê “cóc”

Cà phê “cóc” thường được bán ở vỉa hè, mái hiên nhà, lề đường,... Chỉ với vài chiếc ghế đẩu là đã được gọi là “quán”. Ưu điểm khi kinh doanh cà phê “cóc” là vốn ít và dễ quản lý. 

Tuy nhiên, bạn sẽ rất khó mở rộng quy mô do mặt bằng nhỏ. Ngoài ra, việc buôn bán ở nơi công cộng cũng không ổn định, nay chỗ này mai chỗ khác.

4.2. Quán cà phê mang đi (take away)

Mô hình cà phê mang đi hướng đến nhóm khách hàng bận rộn, không có nhiều thời gian la cà quán xá. Do đó, quy mô mặt bằng để kinh doanh quán cà phê nhỏ không cần quá hoành tráng. Từ đó giảm chi phí đầu tư đáng kể. 

Điểm hạn chế của quán cà phê take away là phụ thuộc rất nhiều vào lưu lượng người qua lại. Đặc biệt, chất lượng thức uống phải thật sự hợp khẩu vị của khách hàng để giữ chân họ.

cafe ông bầu

Ông Bầu - Thương hiệu đã sớm nhận ra tiềm năng của cà phê mang đi 

4.3. Quán cà phê bình dân

Đây là mô hình quán cafe nhỏ phù hợp với những bà nội trợ muốn kiếm thêm thu nhập. Đối tượng hướng đến của quán là bà con hàng xóm trong khu phố. Chỉ đơn giản một mặt bằng, vài bộ bàn ghế và bảng hiệu là bạn có thể kiếm thêm đồng ra đồng vào.

Điểm cộng của mô hình cà phê bình dân là thị trường lớn, do phục vụ tầng lớp lao động. Tuy nhiên, cạnh tranh trong thị trường này cũng rất lớn. Đôi khi, một con hẻm có vài ba quán như vậy cũng là chuyện bình thường.

5. Có nên mở quán cà phê nhượng quyền?

Thông thường, mọi người mở quán cafe nhỏ vì không có vốn nhiều. Mà các gói nhượng quyền quán cà phê thường có chi phí khá cao. Cùng với đó là nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý. 

Tuy vậy, một số chuỗi cà phê hiện nay đã hướng đến phân khúc cà phê quy mô trung bình và nhỏ. Chẳng hạn Napoli Coffee (nhượng quyền quán cà phê chỉ từ 30 triệu đồng). Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể kinh doanh cà phê nhượng quyền quy mô nhỏ nếu tìm được đối tác có chi phí phù hợp.

Napoli Coffee cà phê nhượng quyền

Một số gói nhượng quyền của Napoli Coffee

6. Kinh doanh quán cafe nhỏ có cần giấy phép kinh doanh không?

Theo Điều 3, Nghị định 39/2007/NĐ-CP ký ngày 16/03/2007, một số trường hợp không cần đăng ký kinh doanh gồm có:

- Bán hàng rong

- Buôn bán nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định

- Bán quà vặt là bánh trái, nước uống mà không có địa điểm cố định

- Buôn chuyến

- Thực hiện dịch vụ mà không có địa điểm cố định (giác hơi, đánh giày, sửa khoá xe,...)

- Thực hiện hoạt động thương mại độc lập

Như vậy, mở quán cà phê nhỏ không nằm trong các mục được miễn giấy phép kinh doanh. Bạn buộc phải tiến hành đăng ký và xin cấp phép kinh doanh theo đúng quy định của Nhà nước.

7. Mở quán bán cafe nhỏ cần lưu ý những gì?

Kinh nghiệm là điều mà ai bước ra thương trường đều mong muốn. Nhưng đây cũng là thứ mà không thể có được trong thời gian ngắn. Nó phải được tích luỹ qua việc tự trải nghiệm và đúc kết bài học. Hoặc đọc, tham khảo và ghi nhớ bài học của người khác trước khi bắt tay kinh doanh mô hình quán cafe nhỏ.

7.1. Tìm mặt bằng 

Sai lầm: Xem mặt bằng, đặt cọc hoặc trả trước rồi mới biết mặt bằng nằm ở khu ít người qua lại. Xung quanh chỉ có bà con lối xóm, chứ cả ngày chẳng có mấy lượt khách vãng lai.

Bài học: Khách quen rất quan trọng, nhưng khách vãng lai là nguồn nuôi sống quán. Vì vậy, ngoài tham khảo giá, bạn cần phải xem xét mặt bằng thuê mướn có nhiều người qua lại không. Nhiều người lựa chọn “cắm chốt” ở tại quán nước gần vị trí mặt bằng để quan sát 1 - 2 ngày.

tìm mặt bằng mở quán cafe

Mặt bằng toạ lạc ở nơi có người qua lại thường xuyên là rất cần thiết 

7.2. Tìm nhân sự

Sai lầm: Khi mới bước ra kinh doanh, bạn sẽ không có kinh nghiệm tuyển dụng. Chưa kể, việc đưa một người xa lạ vào quán tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mới bắt đầu mở quán cà phê nhỏ. 

Bài học: Trong thời gian đầu, bạn hãy nhờ người quen phụ giúp công việc trong quán. Như vậy, bạn có thể yên tâm để chăm lo những việc khác trong thời gian quán còn bề bộn ban đầu.

7.3. Lập kế hoạch chi tiêu

Sai lầm: Lúc mới kinh doanh, không ít người có tâm lý làm gì cũng phải nhanh, gọn, lẹ mà bỏ qua việc lập kế hoạch. Do đó rất dễ tiêu xài hoang phí, rồi hết tiền lúc nào không hay.

Bài học: Bạn hãy giữ cho mình một cái đầu “lạnh” bằng cách liên tục nhắc nhở bản thân phải thật chậm rãi, suy xét kỹ trước khi chi tiền. Một kế hoạch chi tiêu rõ ràng, ít nhất là trong 3 tháng đầu là rất quan trọng.

7.4. Bố trí điện, nước

Sai lầm: Dù chỉ kinh doanh quán cafe nhỏ, nhưng nhu cầu năng lượng cũng vẫn nhiều hơn hộ gia đình. Do vậy mà chuyện sập nguồn, cháy cầu dao hay vỡ ống nước rất thường xảy ra. 

Bài học: Ngay từ giai đoạn xem mặt bằng, bạn cần hỏi rõ chủ sở hữu về công suất điện và tình trạng mới-cũ của ống nước. Sau đó, bạn nên gọi thợ đến kiểm tra, sửa chữa hoặc gia cố thêm nếu cần thiết. Đặc biệt, bạn nên thủ sẵn trong quán số điện thoại của thợ sửa chữa.

hệ thống điện nước

Hệ thống điện của quán cà phê cần ổn định và đáp ứng được công suất lớn 

7.5. Cải tạo, trang trí quán

Sai lầm: Bạn biết không, lối suy nghĩ cho rằng thức uống ngon là đủ sức thu hút và giữ chân khách hàng đã qua rồi. Ngày nay, quán cà phê mọc lên mỗi ngày như nấm sau mưa. Quán nào cũng có đồ uống ngon cả. 

Bài học: Cho dù tự tin với chất lượng thức uống thì bạn cũng không nên bỏ qua việc trang trí quán. Chụp ảnh đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của khách hàng khi đi cà phê. Những quán có không gian đẹp (dù nhỏ) sẽ được chú ý và lan truyền mạnh hơn.

7.6. Không phụ thuộc người quen

Sai lầm: Khi kinh doanh quán cà phê nhỏ, không ít người nghĩ ngay đến việc làm sao “lôi kéo” người quen đến quán. Thực tế, người quen có lẽ là những người ít đến quán của bạn nhất. Có chăng là họ chỉ đến vào ngày khai trương thôi.

Bài học: Nếu muốn kinh doanh lâu dài, bạn cần hướng đến đối tượng là những khách hàng xa lạ. Bạn hãy đẩy mạnh quảng cáo để nhiều người chưa biết, chuyển sang biết rồi đến quán để trải nghiệm. Như vậy mới là kinh doanh!

7.7. Đừng xem thường quảng cáo

Sai lầm: Mở quán bán cafe nhỏ thôi thì không cần quảng cáo? Hay là chỉ cần quảng cáo khi mở rộng kinh doanh?

Bài học: Quán nhỏ nhưng thị trường không hề nhỏ. Ngoài kia, vô số những quán cà phê vẫn đang “cật lực” quảng bá mỗi ngày. Nếu không tham gia thị trường quảng cáo trực tuyến, quán của bạn sẽ có rất ít người biết đến.

quảng cáo trực tuyến

Quảng cáo trực tuyến là một phần không thể thiếu trong chiến lược Marketing quán cà phê 

7.8. Có kiêng, có lành và đồng tiền đi trước

Sai lầm: Nhiều người cho rằng kinh doanh quán cà phê nhỏ thì không nên mê tín. 

Bài học: Sự thật là những người làm kinh doanh lại rất sợ những rủi ro mà bản thân không kiểm soát được. Do đó, họ thường sẽ làm theo những phong tục mà ông bà truyền lại trong kinh doanh. Ngoài ra, những việc có thể “đi cửa sau” trong giới hạn chấp nhận được thì bạn cũng nên cân nhắc.

8. Quy trình kinh doanh quán cafe nhỏ như thế nào?

Dưới đây là 16 bước để khởi nghiệp làm chủ quán cà phê của riêng bạn:

- Xác định chi phí cần đầu tư, tiền vốn hiện có

- Lựa chọn mô hình kinh doanh cà phê phù hợp

- Lập bảng theo dõi tiến độ dự án

- Xây dựng kết hợp chi tiêu, mua sắm

- Phân tích thị trường để chọn khách hàng mục tiêu

- Xác định chiến lược kinh doanh dựa vào khách hàng mục tiêu

- Tìm kiếm, khảo sát và đặt cọc mặt bằng

- Cải tạo và tân trang mặt bằng để mở quán cà phê nhỏ

- Mua sắm đồ nội thất, dụng cụ pha chế, nguyên liệu pha cà phê

- Xây dựng menu cho quán

- Làm các thủ tục liên quan đến pháp lý

- Làm lễ khai trương quán

- Quảng cáo để tăng số người biết đến quán

- Đưa ra chương trình ưu đãi để thu hút khách đến quán trải nghiệm

- Đưa ra chương trình để khách hàng quay lại

- Vừa vận hành, vừa quản lý, vừa hoàn thiện hoạt động của quán

quán cafe nhỏ

Để có một quán cà phê nào đâu đơn giản!

9. Những sai lầm nào thường gặp khi kinh doanh quán cafe nhỏ?

Chỉ cần dành ra vài phút tham khảo, bạn có thể tránh được 3 sai lầm kinh điển trong kinh doanh quán đồ uống sau:

9.1. Sai lầm về mặt bằng

- Thuê mặt bằng trong hẻm, mà còn là hẻm cụt.

- Vị trí quán ít khách vãng lai tự nhiên, mà phải hoàn toàn trông cậy vào quảng cáo.

- Mặt bằng gần chợ ồn ào, có nhiều đối thủ cạnh tranh.

- Chủ đất đòi trả trước tiền thuê lâu dài.

9.2. Sai lầm về khách hàng

- Mù mờ về “chân dung” khách hàng: Họ là ai? Thích hương vị gì? Hay uống cà phê lúc nào? Số tiền mà họ chấp nhận chi trả là bao nhiêu?... 

- Bắt chước mô hình của các quán cà phê có vẻ “ăn nên làm ra” nhưng lại không tìm hiểu kỹ rằng họ hướng đến khách hàng khác với quán của bạn.

9.3. Sai lầm về nhân sự

- Chủ quán cho rằng nhân viên chỉ cần làm tốt nhiệm vụ, còn thái độ với khách hàng thì không bàn tới.

- Nhân viên phục vụ thì cần niềm nở với khách, còn bảo vệ, giữ xe thì sao cũng được.

- Nhân viên phục vụ rất dễ tìm, nên không cần có chính sách lương, thưởng hấp dẫn để giữ chân họ.

nhân sự

Con người - Tài sản quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp nào

10. Mở mô hình cafe nhỏ, thắc mắc biết hỏi ai?

Chắc hẳn trong lúc suy nghĩ về quán cà phê của mình, bạn đã đôi lần nghĩ đến:

- Chủ quán có nên tìm người hợp tác cùng để mở quán cà phê?

Nếu tìm được người cùng chí hướng, bạn có thể cùng họ hợp tác. Thế nhưng, dù thân thiết đến mấy, bạn cũng nên rõ ràng về mặt giấy tờ và pháp lý. Bởi dù buôn bán quán cafe nhỏ thì khi có bất đồng quan điểm, tranh chấp vẫn xảy ra.

- Chủ quán có cần phải biết pha chế không?

Chất lượng sản phẩm là yếu tố hiển nhiên mà cơ sở kinh doanh ăn uống phải có. Trong thời gian chưa tuyển được nhân viên pha chế, bạn chính là người đứng ra đảm nhận. Khi có nhân viên phụ trách rồi, bạn cũng phải hướng dẫn và đánh giá họ. Bởi vậy, bạn nên tham gia các khóa học pha chế trước khi mở cửa hàng cafe nhỏ hay lớn.

- Menu quán cần có những món đồ uống gì?

Thông thường, menu quán cà phê sẽ có 2 nhóm đồ uống:

- Những đồ uống có cà phê: Cà phê đen, cà phê sữa, bạc sỉu, latte,...

- Những đồ uống không có cà phê: Sinh tố, nước ép, đá xay, mojito,...

menu quán cafe

Một menu quán cà phê điển hình

Chúng tôi hy vọng qua bài viết này giúp bạn có được những việc làm cụ thể, logic cần chuẩn bị trước khi khởi nghiệp kinh doanh quán cafe nhỏ. Khi mới có ý tưởng kinh doanh, chúng ta thường bị cảm xúc hưng phấn làm lu mờ lý trí. Nhiều người có thể dùng cách nhìn của chủ quán mà dễ bỏ quên một điều: khách hàng có nghĩ như vậy không?

Nếu đang có mô hình độc đáo nào đang ấp ủ, hãy chia sẻ để mọi người góp ý kiến cho bạn nhé!

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Bao bì Xanh
Bao bì XANH
Giao nhanh - Giá tốt
Hotline